Kinh tế tuần hoàn: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Đặt vấn đề

Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững, với tăng trưởng xanh đang được quan tâm, đề cập nhiều hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Lý luận về kinh tế tuần hoàn

  • Khái niệm về kinh tế tuần hoàn

Khái niệm kinh tế tuần hoàn được các tác giả Pearce và Turner sử dụng lần đầu năm 1990 (trong cuốn sách “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”). Đến nay, tuy vẫn có những tài liệu đưa ra các khái niệm khác nhau do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng.

Từ góc độ nền kinh tế, “Kinh tế tuần hoàn có thể được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm.

Liên minh châu Âu định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”. Theo nguyên lý đó, nền kinh tế càng bỏ đi ít sản phẩm thì sẽ càng ít tài nguyên thiên nhiên bị khai thác để sản xuất sản phẩm mới, từ đó, môi trường sẽ chịu càng ít tác động tiêu cực từ con người.

Đến nay, định nghĩa được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi là: “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).

Từ định nghĩa trên có thể thấy, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.

Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

  • Nguyên tắc, nội hàm của kinh tế tuần hoàn

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn thì các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đây là một chiến lược phát triển bền vững đang được đề xuất để giải quyết các vấn đề cấp bách của suy thoái môi trường và khan hiếm tài nguyên, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một mô hình kinh tế không phát thải.

Tổ chức Ellen Macarthur đã xác định ba nguyên tắc chính của một nền kinh tế tuần hoàn đó là: (1) Giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; (2) Kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu; (3) Tái tạo hệ thống tự nhiên.

Như vậy, quá trình vận hành của nền kinh tế tuần hoàn sẽ không có chất thải ra môi trường, do đó giải quyết được bài toán xử lý mối quan hệ giữa “Kinh tế” và “Môi trường”. Kinh tế tuần hoàn thực hiện được hai nội dung: (i) Hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên và duy trì hệ sinh thái; (ii) Không còn đưa chất thải ra môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, duy trì chất lượng môi trường.

Kinh tế tuần hoàn có 3 nội hàm cơ bản sau:

Thứ nhất, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lí các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo;

Thứ hai, tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kĩ thuật và sinh học;

Thứ ba, nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Những nội hàm này giúp kinh tế tuần hoàn phá vỡ được mối liên hệ thường thấy giữa phát triển kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Không chỉ là tuần hoàn vật liệu mà còn là giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khó tái chế, kinh tế tuần hoàn không phải là xử lý chất thải, ngược lại coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ, hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị. Theo đó, không chỉ giảm phụ thuộc vào tài nguyên và hạn chế phát thải, các mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn đem lại lợi ích rất lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

  • Lợi ích kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đưa vào hệ thống kinh tế, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng chất thải là đầu vào của hệ thống kinh tế. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi. Với nền kinh tế tuyến tính, nguyên liệu thô được khai thác từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế và kết thúc chu trình kinh tế là thải loại ra môi trường tự nhiên, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Kinh tế tuần hoàn có những ưu điểm và lợi ích như sau:

  • Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
  • Đối với xã hội: Kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân…
  • Đối với doanh nghiệp: Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trên phạm vi toàn thế giới, áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích kinh tế 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 (Lacy, P., & Rutqvist, J, 2015). Riêng ở khu vực châu Âu, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội mà còn giúp tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1,8 nghìn tỷ Euro vào năm 2030 (McKinsey & Co). Một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và carbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn vào năm 2015, bao gồm các biện pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng sức cạnh tranh toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo việc làm mới. Kế hoạch hành động của EU cho nền kinh tế tuần hoàn thiết lập một chương trình hành động cụ thể, với các biện pháp bao trùm toàn bộ chu trình: từ sản xuất và tiêu thụ đến quản lý chất thải và thị trường nguyên liệu thứ cấp và đề xuất lập pháp sửa đổi về chất thải. Các hành động được đề xuất sẽ góp phần “đóng vòng lặp” của vòng đời sản phẩm thông qua việc tái chế và tái sử dụng nhiều hơn, mang lại lợi ích cho cả môi trường và nền kinh tế. Khung pháp lý sửa đổi về chất thải đã có hiệu lực vào tháng 7/2018, đặt ra các mục tiêu rõ ràng để giảm chất thải và thiết lập một lộ trình dài hạn để quản lý và tái chế chất thải. Các yếu tố chính của đề xuất chất thải sửa đổi bao gồm: Mục tiêu chung của EU để tái chế 65% chất thải đô thị vào năm 2035; tái chế 70% chất thải bao bì vào năm 2030. Ngoài ra, còn có các mục tiêu tái chế cho các vật liệu đóng gói, cụ thể: Giấy và bìa cứng: 85%, kim loại màu: 80%, nhôm: 60%, kính: 75%, nhựa: 55%, gỗ: 30%. Mục tiêu chôn lấp ràng buộc nhằm giảm lượng rác thải xuống mức tối đa 10% chất thải đô thị vào năm 2035. Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ Euro mỗi năm cho EU, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Thụy Điển đã phát triển triết lý kinh tế tuần hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”. Theo đó, thành lập một nhóm chuyên gia về kinh tế tuần hoàn giúp Chính phủ điều phối và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải.

Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nền kinh tế tuần hoàn “Vì một tương lai không rác thải” ở Thụy Điển được khởi xướng, bắt đầu bằng việc đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng thân thiện với môi trường.

Đến nay, 99% tổng lượng rác thải sinh hoạt tại Thụy Điển được tái chế. Các giải pháp triển khai như: Quy định chặt chẽ về địa điểm tái chế rác thải; xe chở rác chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh học; phân loại rác theo màu túi đựng rác để tiết kiệm thời gian với sự tham gia của các doanh nghiệp (nhất là trong các ngành may mặc, thực phẩm); biến rác thải thành điện năng…

Tại Hà Lan, Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu thiết yếu. Theo đó, Hà Lan tiến hành phát triển chương trình hậu thuẫn cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn, ít gây hại cho môi trường. Chương trình này có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, bao gồm tất cả các chương trình nhằm xử lý nguyên liệu thô hiệu quả hơn.

Năm 2013, Chính phủ Hà Lan đã triển khai một loạt chương trình và dự án nhằm biến nước này trở thành “trung tâm tuần hoàn” của châu Âu. Đặc biệt, chương trình “Kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan vào năm 2050” đưa ra tầm nhìn, định hướng lộ trình và mục tiêu cụ thể. Theo đó, 5 lĩnh vực ưu tiên là: Nhiên liệu sinh khối và thực phẩm, nhựa, chế tạo (tập trung vào vật liệu kim loại và các hóa chất độc hại), xây dựng (tập trung vào tái chế vật liệu xây dựng và phát triển thị trường vật liệu tái chế) và tiêu dùng.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại cơ hội kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển khoa học, cắt giảm khí thải CO2, đảm bảo sức khỏe và an toàn. Riêng với Hà Lan, mô hình kinh tế này có thể tạo ra hơn 50 nghìn việc làm, giảm 10% chất thải ra môi trường, tiết kiệm 20% nước sử dụng trong ngành công nghiệp, giảm 25% nhập khẩu các nguồn cơ bản và tạo ra 7 tỷ Euro cho nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ Hà Lan cũng cam kết sẽ thực hiện cải cách pháp luật, ưu đãi thị trường trí tuệ, hỗ trợ tài chính, nâng cao tri thức nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, hướng đến phát triển bền vững.

Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau – “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới – đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật về loại bỏ chất thải thực phẩm vào năm 2013, quy định cụ thể về tiêu chuẩn thu gom chất thải. Chất thải được bỏ vào các túi phân hủy sinh học hoặc bỏ trực tiếp vào các thùng kim loại có trang bị thanh đo và đầu đọc chíp nhận dạng tần số vô tuyến. Luật này cũng quy định người dân sẽ phải trả thêm tiền, nếu lượng chất thải này vượt quá khối lượng cho phép và 60% số tiền đó được Chính phủ sử dụng để chi trả chi phí cho việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh. Hiện nay, 95% chất thải thực phẩm ở Hàn Quốc được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón, còn lại chất lỏng sau khi ép ra từ rác thải được lên men thành khí hoặc dầu sinh học để sử dụng. Đây là chu trình khép kín từ thu gom, xử lý đến tái chế các sản phẩm theo hình thức “cộng sinh”.

Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và EU đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: Vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế). Nền kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ việc xác định quan niệm phát triển đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn đến thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp…

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 1,83 triệu tấn/năm; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá từ năm 2015, dự báo tới năm 2030 có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030.

Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Đến nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế như: Phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường…

Thực tế Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như: Mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, toàn xã hội đã nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn đã được hình thành như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương; sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; đối tác toàn cầu về nhựa của Việt Nam… Các mô hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong các cam kết về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

Việt Nam đã cụ thể hóa quan điểm về kinh tế tuần hoàn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định việc xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 lần đầu tiên quy định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường. Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch chi tiêu công xanh; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường…

Cơ hội

Từ luận cứ về kinh tế tuần hoàn, xem xét từ bản chất, nội hàm, quá trình hình thành và phát triển để khái quát hóa tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, có thể nhận thấy hiện nay Việt Nam chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa, tuy nhiên, những biểu hiện sự hình thành và quá trình phát triển từ trước đến nay, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có từ khá sớm trên thế giới, tạo ra những cơ hội cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, thể hiện ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước và phù hợp với xu hướng chung toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ ba, việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Thứ tư, Việt Nam đã và đang hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng.

Thứ năm, áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa sẽ giảm xuống khi phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cách thức phát triển giúp cho đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ sáu, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì cách thức phát triển này giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thách thức

Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển, còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đã và đang đặt ra không ít thách thức đối Việt Nam.

Một là, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…

Hai là, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.

Ba là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.

Bốn là, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

Giải pháp

Từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới cùng các quan điểm về kinh tế tuần hoàn, để thúc đẩy mô hình kinh tế này ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

  • Về phía các cơ quan quản lý

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Theo đó, ngay từ những năm đầu của giai đoạn 2021 – 2030, cần tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường…

Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

  • Đối với doanh nghiệp

Cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.

Tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất; đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn. Để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần sớm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình…

Ngoài ra, doanh nghiệp phải cân nhắc giải bài toán vì lợi ích ngắn hạn trước mắt hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Vì đầu tư cho công nghệ mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Kết luận

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đó là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói một cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.

Để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.

Vina Aspire là Công ty tư vấn, cung cấp các giải pháp, dịch vụ CNTT, An ninh mạng, bảo mật & an toàn thông tin tại Việt Nam. Đội ngũ của Vina Aspire gồm những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng.

Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:

Email: info@vina-aspire.com | Website: www.vina-aspire.com

Tel: +84 944 004 666 | Fax: +84 28 3535 0668


Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin


Bài viết liên quan

About Us

Learn More

Vina Aspire is a leading Cyber Security & IT solution and service provider in Vietnam. Vina Aspire is built up by our excellent experts, collaborators with high-qualification and experiences and our international investors and partners. We have intellectual, ambitious people who are putting great effort to provide high quality products and services as well as creating values for customers and society.

may ao thun Kem sữa chua May o thun May o thun đồng phục Định cư Canada Dịch vụ kế ton trọn gi sản xuất đồ bộ
Translate »