ĐỌC “BỐ GIÀ”, ĐỂ NGHE “BỐ GIÀ” DẠY LÀM ĐÀN ÔNG
Vào một ngày mùa hạ tháng 7/1999, hai ngày trước quốc khánh Mỹ, Mario Puzo tạ thế ở tuổi 79. Cuộc đời ông gắn liền với tác phẩm “The Godfather” – Bố Già.
Tác giả đã về với cát bụi, nhưng cuốn sách thì sống mãi. Đó là cuốn sách kể về thế giới mafia, chỉ riêng chủ đề đó thôi cũng khiến nhiều gã đàn ông rạo rực.
Đến khi được dựng thành phim, không khó hiểu khi bấy nhiêu gã nam nhân đổ dồn về những khung hình của Marlon Brando, Robert De Niro và Al Pacino để tận hưởng cảm giác nhâm nhi một bộ phim mà họ tin rằng, thuộc về chính họ. Gã đàn ông đứng giữa đất trời được Mario Puzo định nghĩa qua “Don” Vito và “Don” Michale.
Hai ông trùm, hai người đàn ông, hai kẻ đứng đầu gia đình, gánh vác tất cả, chiến đấu và hạ sát tất cả, bằng bản lĩnh kinh hồn và bằng tình yêu. Khi đứa con đỡ đầu Johnny Fontane tới khóc với “Bố già” trong lễ cưới của cô em gái út Connie.
Đối diện với điều đó, bố già Vito gầm lên: “ Mày phải bắt đầu hành động như một người đàn ông đi, chứ làm sao. Chao ôi, mày sống gần tao bấy nhiêu năm mà hành động, cư xử tệ thế này sao? Một “ông lớn” của Hollywood mà lại khóc than, quỵ lụy, van xin lòng thương hại à? “
Xuyên suốt tác phẩm, bố già Vito Corleone luôn nói rõ ràng với những đứa con trai vây xung quanh ông: “Cho dù đàn bà sẽ thành thánh trên thiên đường, đàn ông bị đày ráo xuống địa ngục, thì trên cõi đời này, đàn bà vẫn cứ là đàn bà và đàn ông vẫn cứ là đàn ông.”
Đó giống như một cách nhắc nhở về bổn phận làm đàn ông, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, giữa lý trí và tình cảm, giữa quyết đoán và do dự, giữa tàn nhẫn và yếu mềm.
Đàn ông làm việc của đàn ông, cho xứng với kiểu đàn ông. Đấy là lý do mà Bố già “Vito” dặn dò Michael: “ Phụ nữ và trẻ con thì có thể bất cẩn, nhưng đàn ông thì không bao giờ được phép.”
Bản sắc đối nhân xử thế vây quanh “Bố già” Vito là cả một hành trình khéo léo của nghệ thuật “trung dung”. Cái tôn nghiêm tuyệt đối của một ông trùm, của người đứng đầu đế chế luôn được dung hòa đúng lúc bằng tình cảm nồng ấm của một người cha.
Khi ông thấy đứa con cả Santiano hơi tiều tụy, ông thốt lên: “Santino, trông con khiếp quá. Tối phải ngủ sớm nhé. Giữ gìn sức khỏe chứ, ai mà trẻ trung, cường tráng mãi được.”
Khi nhắn với con rằng “Ngủ sớm nhé”, ông còn nói thêm “Chẳng ai trẻ trung, cường tráng mãi được.” Chúng ta vội vã đi vào trong vòng xoáy của mưu sinh, những đêm thức khuya mướt mát, chúng ta mất dần sức khỏe trong tâm thức.
Bố Già không chỉ dạy đàn ông, còn dạy cả cách sống tốt.
Đọc tác phẩm “Bố già”, xem phim “Bố già” còn thấy lồng lộng hai chữ gia đình trong câu chuyện. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tình hình nào, gia đình luôn được đặt lên hàng đầu.
“Thằng đàn ông vô trách nhiệm với con cái, không đáng là con người.”
“Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình, không bao giờ có thể trở thành đàn ông thực sự.”
Đó là những gì mà bố già Vito nhắc đi nhắc lại với các cậu cả. Đời người đàn ông có thể vất vả, có thể bươn chải, có thể điên cuồng với xã hội. Nhưng phải biết dành thời gian cho gia đình, có trách nhiệm với con cái. Người ta đánh giá bạn, qua cách bạn làm gì với gia đình, là điều mà “Bố già” dạy dỗ.
Người con của ông, kẻ kế thừa vĩ đại của gia đình Colerone huyền thoại, Don Michael Corleone cũng nói một câu dành cho người anh trai Fredo: “Fredo, anh là anh trai yêu quý của tôi, và tôi yêu anh. Nhưng đừng bao giờ theo phe kẻ chống lại gia đình lần nữa. Đừng bao giờ.”
Tình thương, sự uy nghiêm, răn đe, điềm tĩnh của một gã đàn ông tối cao nằm ở câu nhấn mạnh đó của Don Michael.
Vito Colerone vĩ đại còn dạy cả về tình bạn, khi chứng kiến đứa con giàu sang và nổi tiếng Jonny bỏ quên đứa bạn nối khố thuở hàn vi là Nino. Ông đã nói: “Tình bạn còn đáng quý hơn tài năng, lớn hơn cả chính phủ. Nó gần ngang với tình gia tộc. Nếu con xây dựng được một tình bạn vững bền thì con khỏi cầu ta giúp đỡ”
Có câu danh ngôn nổi tiếng “Người bạn tốt chính là người anh em ruột mà Thượng Đế quên không gửi vào gia đình bạn”, câu nói ấy chính nằm trong câu nói này của “Bố Già”. Bằng cách đánh giá tình bạn gần ngang với tình gia tộc, “Bố già” đã dạy dỗ tất cả chúng ta biết cách sống tốt với bạn bè tốt – là người bạn yêu thương chúng ta.
“Bố già” dạy cách làm đàn ông, cách yêu gia đình, chỉ cho thấy thứ tình cảm nồng nàn dành cho dòng máu, sự giúp đỡ dành cho những người bạn, cái tàn bạo khi đối diện với kẻ thù, sự quyết liệt khi bảo vệ gia tộc trong cơn nguy nan.
VÀ
Tất cả bỗng thấy thật tuyệt đích trong việc ghép từ “God” và “Father”: “Cha” và “Chúa” lồng ghép vào thành “Bố già”.
“Bố Già” được viết năm 1969, và được dựng thành phim vào năm 1972. Tại Việt Nam, tác phẩm được dịch giả huyền thoại Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, có biết bao nhiêu gã đàn ông đã đọc và mê đắm lấy nó, đi theo những hình mẫu đàn ông như Vito, như Michael, không phải bước theo cái ác, mà sống trong chất đàn ông thấm đẫm từng câu chữ, từng hình ảnh, từng lời thoại.
Đọc “The Godfather”, là để nghe “Bố già” dạy cách làm đàn ông. Gửi Sunny.
Jack Bui,VinaAspire News