Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào ngày 3-6-2020. Tuy nhiên, trước khi thảo luận về việc chuyển đổi số, trước khi tin rằng chúng ta sẽ có một quá trình chuyển đổi số hiệu quả thì cần xác định được một số điểm quan trọng như mục tiêu của việc chuyển đổi đó là gì.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình) đã đề ra ba mục tiêu rõ ràng, với các tiêu chí định lượng cho quá trình chuyển đổi số quốc gia nhưng nhiều người có thể vẫn nhầm lẫn giữa “chuyển đổi số” với “chuyển đổi sang kinh tế số”, dẫn đến việc không xác định được các mục tiêu phù hợp cho quá trình chuyển đổi số. Ngay cả ba mục tiêu của Chương trình cũng chưa hàm chứa các mục tiêu quan trọng để hình thành được môi trường cần thiết cho quá trình chuyển đổi số.
Sự khác biệt giữa kinh tế số và chuyển đổi số
Kinh tế số/kinh tế kỹ thuật số
Mục tiêu của chuyển đổi số của Việt Nam nên đặt trọng tâm vào ngành công nghiệp (khu vực đóng góp tới 60% vào GDP theo số liệu năm 2020) và phần nào đó là các ngành dịch vụ hiện đại (như dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử…), điều đó mới phù hợp với bối cảnh “công nghiệp 4.0” và thực tiễn Việt Nam.
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế kỹ thuật số là “tất cả các hoạt động kinh tế đều dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu. Nó đề cập đến tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng, bao gồm cả chính phủ, đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số này trong các hoạt động kinh tế của họ”.
Chuyển đổi số
Ở góc độ doanh nghiệp, chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và kinh doanh.
Ở góc độ quốc gia, kết quả nghiên cứu của Mergel và cộng sự (2019) từ các cuộc phỏng vấn chuyên gia cho thấy chuyển đổi số là một cách tiếp cận toàn diện về tổ chức chứ không phải chỉ đơn thuần cung cấp các hình thức trực tuyến hoặc chuyển đổi từ hệ thống analog sang kỹ thuật số. Chuyển đổi số là một quá trình dẫn đến cải thiện mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các bên liên quan, tăng sự hài lòng của người dân và quan trọng nhất là thay đổi văn hóa tổ chức và bộ máy công quyền.
Như vậy, trong khi “kinh tế số” và chuyển đổi sang kinh tế số nhấn mạnh đến các hoạt động mang tính kinh tế dựa trên tài nguyên số (biểu diễn bằng 1 và 0 trong máy tính), và có thể được đo lường bằng doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng GDP… thì “chuyển đổi số” là khái niệm rộng hơn và gồm nhiều dạng hoạt động hơn, trong đó, tất nhiên sẽ bao gồm cả “kinh tế số”.
Mục tiêu của chuyển đổi số
Có sự khác biệt rất lớn trong việc xác định mục tiêu chuyển đổi số nếu quan sát ở cả hai bình diện vĩ mô (cấp độ quốc gia và xa hơn nữa là toàn cầu) và vi mô (cấp độ doanh nghiệp). Việc chỉ có mục tiêu chuyển đổi số quốc gia sẽ khiến việc triển khai không có phương hướng rõ ràng, không có các hoạch định cụ thể và thiếu các cách đo lường phù hợp. Không thể dùng thước đo mục tiêu quốc gia cho doanh nghiệp và ngược lại. Vì vậy, tôi đề xuất việc có hai hệ thống đo lường mục tiêu chuyển đổi số ở hai cấp độ.
Mục tiêu chuyển đổi số cấp quốc gia
Chuyển đổi số không chỉ tạo ra tác động lên tăng trưởng, năng suất, mạng lưới sản xuất toàn cầu, thành phần nhu cầu, thương mại và việc làm trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Nó còn xem xét cách các công nghệ kỹ thuật số được người dân sử dụng và cung cấp các ví dụ về tác động lên đời sống của họ. Vì vậy, mục tiêu của chuyển đổi số sẽ cần bao gồm cả việc chuẩn bị môi trường cho chuyển đổi số, mục tiêu quản trị, mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội và mục tiêu thể chế. OECD đã xác định bảy mục tiêu phổ quát của quá trình chuyển đổi số, có thể dùng tham khảo cho việc xây dựng chính sách ở các quốc gia.
Mục tiêu chuyển đổi số ở tầng nấc cấp doanh nghiệp
Chuyển đổi số cho doanh nghiệp là một quá trình chậm và khó khăn ngay cả ở những quốc gia phát triển và các quốc gia đang có lợi thế về chuyển đổi số. Năm 2019, khảo sát của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey với 1.600 doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển cho thấy 75% trong số 1.600 doanh nghiệp được khảo sát đã sẵn sàng để chuyển đổi số. Nhưng mức độ sẵn sàng này rất khác nhau giữa các ngành kinh tế.
Có những ngành như dược phẩm, sự tụt hậu rất rõ nét, nhưng những ngành như chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán bệnh từ xa đang có cơ hội bứt phá. Những ngành như du lịch, bán lẻ khá tiệm cận với chuyển đổi số khi tỷ lệ sẵn sàng chuyển đổi là từ 50-60%. Nhưng khu vực nông nghiệp và các ngành công nghiệp truyền thống thì tỷ lệ này chỉ dao động từ 30-45%.
Trung Quốc là nước có tiến bộ rất nhanh về chuyển đổi số nhưng ứng dụng kỹ thuật số của doanh nghiệp vẫn còn rất chậm chạp. Báo cáo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) năm 2019 cho thấy trung bình chưa tới 40% số doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi này.
IDC đã chỉ ra bảy tiêu chí quan trọng của quá trình chuyển đổi số đối với doanh nghiệp để chuyển đổi số. Chúng bao gồm: (i) ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; (ii) tích hợp việc ra quyết định nội bộ của công ty; (iii) tích hợp các thủ tục dịch vụ; (iv) dịch vụ sản phẩm; (v) trải nghiệm khách hàng; (vi) mô hình kinh doanh; (vii) quản lý nguồn lao động.
Chính phủ nên có cách lượng hóa cụ thể bảy tiêu chí này cũng như các chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo khung khổ nêu trên, hàng năm nên có báo cáo để xác định tỷ lệ doanh nghiệp đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số dựa trên bảy tiêu chí.
Đặt công nghiệp vào vị trí trọng tâm của ưu tiên chuyển đổi số giữa các ngành kinh tế
Để chương trình chuyển đổi số quốc gia thực sự mang ý nghĩa thiết thực và có khả năng đo lường được thì còn cần xác định thứ tự ưu tiên rõ ràng về chuyển đổi số giữa các ngành kinh tế.
Ở khía cạnh này, trong phần III của Quyết định 749 nói trên đã xác định “Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp”. Tôi cho rằng, quan điểm hoạch định chính sách này đã xác định lệch trọng tâm của quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam đang phát triển bùng nổ về thương mại điện tử do dân số trẻ, thu nhập tăng nhanh và văn hóa tiêu dùng được kích thích bởi Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu của chuyển đổi số của Việt Nam nên đặt trọng tâm vào ngành công nghiệp (khu vực đóng góp tới 60% vào GDP theo số liệu năm 2020) và phần nào đó là các ngành dịch vụ hiện đại (như dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử…), điều đó mới phù hợp với bối cảnh “công nghiệp 4.0” và thực tiễn Việt Nam.
Báo cáo năm 2019 của Google và Temasek cũng chỉ ra rằng đóng góp từ thương mại điện tử và nội dung kỹ thuật số chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu của các doanh nghiệp ICT ở Việt Nam. Tổng doanh thu của 46.000 doanh nghiệp ICT (cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài) là 110 tỉ đô la Mỹ, thương mại điện tử B2C đóng góp khoảng 10,8 tỉ đô la Mỹ và doanh thu của ngành nội dung kỹ thuật số là 850 triệu đô la Mỹ.
Điều này có nghĩa là 90% doanh thu của khu vực “kinh tế kỹ thuật số theo nghĩa hẹp” đang nằm ở khu vực sản xuất, chế tạo liên quan đến ICT – điều càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi số trước tiên.
Để thực hiện điều này, đích đến (hoặc mục tiêu cuối của chuyển đổi số) trong lĩnh vực công nghiệp phải là xây dựng được các nền tảng kỹ thuật số công nghiệp để có được một nền sản xuất công nghiệp hiện đại hơn, trả lời cho câu hỏi chuyển đổi số để có được điều gì.
Chú trọng đào tạo ngay từ đầu, không chỉ với người làm trong ngành ICT
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cũng cần được chú trọng ngay từ đầu. Trong báo cáo của Google và Temasek (2019), mặc dù có 126 triệu thuê bao di động/gần 100 triệu dân, có 16 triệu thuê bao Internet băng thông rộng cố định và gần 67 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động, nhưng Việt Nam chỉ có 149 trường đại học có khoa đào tạo các ngành ICT, điện tử viễn thông và an ninh mạng, mỗi năm đào tạo được khoảng 50.000 sinh viên. Chưa tính đến chất lượng, điều này cho thấy một sự thiếu hụt về nguồn nhân lực cần thiết cho chuyển đổi số.
Quan trọng hơn cả, việc đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số không nên hiểu một cách máy móc là nhân lực làm việc trong các ngành ICT mà nên mở rộng ra cả những người không làm trong lĩnh vực ICT, kinh doanh hay nghiên cứu mà gồm cả những người trong bộ máy công quyền và các lao động tự do.
Ở điểm này, Ấn Độ vừa có một sự chuẩn bị quan trọng về nguồn nhân lực khi đưa vào thử nghiệm nền tảng nâng cao kỹ năng cho lao động tương lai mang tên FutureSkills PRIME Beta Platform. Chương trình sẽ được cung cấp như một nền tảng trực tuyến để khuyến khích học tập từ xa và tự học. Nhiều module xây dựng nhận thức sẽ được truy cập miễn phí, cho phép tham gia tối đa. Theo chương trình, 412.000 người học đã được trợ cấp quyền truy cập vào các khóa học được chứng nhận về bất kỳ công nghệ nào trong số mười công nghệ mới nổi được Chính phủ Ấn Độ xác định.
Báo cáo “Kinh tế số ở Đông Nam Á năm 2019” do Google và Temasek thực hiện chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế số ấn tượng nhất khu vực này. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được định giá 12 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019. Trong năm năm qua, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng hơn 25%/năm. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đóng góp 5% GDP và dự kiến sẽ đạt 43 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), VNUA
Vina Aspire là Công ty tư vấn, cung cấp các giải pháp, dịch vụ CNTT, An ninh mạng, bảo mật & an toàn thông tin tại Việt Nam. Đội ngũ của Vina Aspire gồm những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng.
Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:
Email: info@vina-aspire.com | Website: www.vina-aspire.com
Tel: +84 944 004 666 | Fax: +84 28 3535 0668
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin