Tổng Bí thư Tô Lâm: “Kỷ nguyên mới sẽ bứt phá”

Trong bài phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giải thích về ý nghĩa của kỷ nguyên – một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những sự kiện quan trọng hoặc thay đổi lớn trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Những kỷ nguyên nổi bật trong lịch sử như Kỷ nguyên Công nghiệp, Kỷ nguyên Kỹ thuật số, hay Kỷ nguyên vũ trụ đã thay đổi thế giới và bây giờ, Việt Nam chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên vươn mình”.

Ông khẳng định kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, phát triển toàn cầu.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là từ Đại hội 14 của Đảng, khi cả dân tộc sẽ đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển. Tận dụng tối đa thời cơ và đẩy lùi những thách thức là chiến lược để đảm bảo sự bứt phá và cất cánh.

Tổng Bí thư nói có ba cơ sở để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế.

Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước và là đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới và khu vực.

Đồ họa: Tuấn Đào. Nguồn: World Bank, Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, công ty kiểm toán PWC. Số liệu 2030-2050 do PWC tính toán dựa trên Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 “là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới”. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam xác lập vị thế của mình và hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm. Sự biến chuyển có tính thời đại này vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn đối với Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.

Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh toàn dân sẽ được khơi dậy kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích. Đó là kỳ tích về một nước dân chủ thuộc địa nửa phong kiến có thể chiến thắng hai đế quốc thực dân hùng mạnh; kỳ tích về một nước từ bị bao vây cấm vận thực hiện thành công công cuộc đổi mới với những thành tựu vĩ đại. Hiện nay “là thời điểm ý đảng hoà quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư đưa ra 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đó là: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ đủ năng lực và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Ông khẳng định trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng không ngừng hoàn thiện phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng giành thắng lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại. Cụ thể, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều.

Để khắc phục những tồn tại này theo Tổng Bí thư cần có các giải pháp chiến lược, trước tiên là thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng cần được tinh gọn để thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp; bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.

Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.

Theo Tổng Bí thư, hai năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế.

Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Công tác lập pháp phải đổi mới mạnh mẽ, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội; luật hoá các quy định của Nghị định và Thông tư.

Quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật phải đổi mới, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Theo Tổng Bí thư, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Cơ quan lập pháp cần xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư cho rằng việc tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu cấp bách. Hiện tại, khoảng 70% ngân sách nhà nước dành để nuôi bộ máy, nhưng công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cơ quan còn cồng kềnh, chồng chéo giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một số bộ ngành vẫn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dễ tạo cơ chế xin – cho, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Vì vậy, chủ trương chiến lược là tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng. Đầu mối trung gian không cần thiết cần được cắt giảm, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát.

Để có cơ sở đưa ra những quyết sách mới đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ theo định hướng đã được Trung ương 10 thống nhất, Tổng Bí thư yêu cầu sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong toàn hệ thống chính trị để trình Hội nghị Trung ương 11 khoá 13.

Tổng Bí thư khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình thiết lập một phương thức sản xuất mới, hiện đại và tiên tiến – “phương thức sản xuất số”. Ông nhấn mạnh, trong phương thức sản xuất này, con người và trí tuệ nhân tạo kết hợp chặt chẽ, trong khi dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng và là tư liệu sản xuất mới. Quan hệ sản xuất cũng sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc, đặc biệt là trong cách thức sở hữu và phân phối tài nguyên kỹ thuật số.

Ông nói, hiện tại quan hệ sản xuất chưa phù hợp đang cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất mới. Cơ chế, chính sách, và pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa tạo ra một môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ người dân. Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo cơ hội cho tham nhũng vặt. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp…

Vì vậy, cách mạng chuyển đổi số phải được thực hiện với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc.

Ông yêu cầu xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển số, đảm bảo rằng khung pháp lý không trở thành rào cản cho sự phát triển, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Việc thu hút nhân tài trong, ngoài nước cần được thúc đẩy, cùng với việc phát triển nguồn nhân lực có tư duy sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng Bí thư yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam lọt vào nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử và kinh tế số. Ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng xã hội số và công dân số, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp để cải cách thủ tục hành chính thực chất và phát triển kinh tế số.

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự nguy hại của lãng phí, khẳng định lãng phí dù không trực tiếp lấy của công nhưng hậu quả có thể còn tai hại hơn cả tham ô. Ông cho rằng, lãng phí hiện nay diễn ra phổ biến, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Lãng phí gây ra suy giảm nguồn lực con người và tài chính, gia tăng chi phí, làm cạn kiệt tài nguyên và gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Các dạng lãng phí như thời gian, công sức do thủ tục hành chính phức tạp, lãng phí cơ hội phát triển do bộ máy hoạt động kém hiệu quả, lãng phí do hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…

Ông kêu gọi đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với chống tham nhũng, tiêu cực. Các biện pháp cần bao gồm việc nhận diện lãng phí và xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Các cơ quan chức năng phải rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp, đảm bảo quản lý và sử dụng tài sản công một cách hiệu quả, đồng thời phải giải quyết dứt điểm các dự án trọng điểm quốc gia đang gây thất thoát lớn.

“Phải xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện, cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”, ông nói.

Khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Tổng Bí thư nói xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết.

Phẩm chất và năng lực của cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng và tinh thần dám nghĩ, dám làm là những yếu tố then chốt. Cán bộ cần có sự quyết tâm, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, luôn đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên hàng đầu.

Tổng Bí thư yêu cầu cán bộ phải có khả năng đổi mới, loại bỏ những tư duy cũ kỹ và giải quyết các vấn đề ách tắc trong thực tiễn. Họ phải có năng lực cụ thể trong việc triển khai các chiến lược lớn của Đảng vào thực tiễn, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược, cải cách thủ tục hành chính.

Trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư kêu gọi đổi mới mạnh mẽ các khâu tuyển dụng, đào tạo, đề bạt và luân chuyển cán bộ theo hướng thực chất, với trọng tâm là tìm người phù hợp cho công việc dựa trên các kết quả cụ thể. Ông cũng nhấn mạnh việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng để cán bộ có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số.

Tổng Bí thư yêu cầu cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới và sẵn sàng đột phá vì lợi ích chung. Ông đề nghị phân biệt rõ giữa những người dám đổi mới vì lợi ích chung và những người phiêu lưu, liều lĩnh. Việc bảo vệ cán bộ cần được tiến hành sớm, ngay từ khi bắt đầu lập kế hoạch, để tránh tình trạng cán bộ bị chùn bước vì e ngại rủi ro.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo và thử thách những nhân sự nằm trong quy hoạch, đặc biệt là đối với các vị trí lãnh đạo cấp ủy, ban thường vụ ở các cấp.

Tổng Bí thư đánh giá, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục kể từ khi thực hiện Cương lĩnh năm 1991, thường xuyên nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia có thu nhập thấp thành một quốc gia thu nhập trung bình. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nguy cơ tụt hậu kinh tế vẫn hiện hữu, và Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không có những cải cách kịp thời.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực trong khi cùng xuất phát điểm với Việt Nam, Trung Quốc đầu những năm 1990 tăng liên tục mỗi năm đều đạt 9%.

Tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, trong đó khu vực FDI chiếm tới 70% xuất khẩu và tương đương 60% GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI nhập khẩu hơn 80% linh kiện và thiết bị từ nước ngoài, chỉ sử dụng lao động giản đơn và tư liệu sản xuất cơ bản của Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nội địa có khả năng cạnh tranh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông cũng nhấn mạnh, khi thời kỳ dân số vàng của đất nước kết thúc vào khoảng năm 2027-2037, lợi thế về giá nhân công rẻ sẽ không còn, khiến Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh và đối mặt với sự dịch chuyển FDI sang các quốc gia khác.

Theo Tổng Bí thư, có nhiều rào cản trong phát triển kinh tế, bao gồm sự sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc và ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ. Nguồn lực phát triển kinh tế cũng chưa được phát huy đầy đủ do lãng phí trong sử dụng đất đai, khoáng sản và hạ tầng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng năng lượng và hạ tầng số phát triển chậm. Thị trường tài chính và tiền tệ thiếu bền vững, một phần do lượng vốn lớn bị đóng băng vào bất động sản. Ngoài ra, kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ông cũng chỉ ra những vấn đề trong thực thi pháp luật, khi nhiều cán bộ không dám đổi mới, lo sợ rủi ro và trách nhiệm. Điều này cản trở việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, và làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn vốn.

Để phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, Tổng Bí thư yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là ưu tiên cao nhất.

Ông nhấn mạnh việc xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lực lượng sản xuất mới cần phát triển, kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất.

“Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển”, ông nói.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress

Vina Aspire là Công ty tư vấn, cung cấp các giải pháp, dịch vụ CNTT, An ninh mạng, bảo mật & an toàn thông tin tại Việt Nam. Đội ngũ của Vina Aspire gồm những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng.

Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:

Email: info@vina-aspire.com | Website: www.vina-aspire.com

Tel: +84 9 4400 4666 | Fax: +84 28 3535 0668


Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin


Bài viết liên quan

About Us

Learn More

Vina Aspire is a leading Cyber Security & IT solution and service provider in Vietnam. Vina Aspire is built up by our excellent experts, collaborators with high-qualification and experiences and our international investors and partners. We have intellectual, ambitious people who are putting great effort to provide high quality products and services as well as creating values for customers and society.

may ao thun Kem sữa chua May o thun May o thun đồng phục Định cư Canada Dịch vụ kế ton trọn gi sản xuất đồ bộ
Translate »