Trong bối cảnh AI phát triển và cần nguồn năng lượng khổng lồ, các “ông lớn” công nghệ đang dấn thân vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân như một giải pháp tiềm năng cho tương lai.
TerraPower của Bill Gates: An toàn và hiện đại
Nhà máy điện hạt nhân TerraPower, công ty của tỷ phú Bill Gates, đã khởi công nhà máy hạt nhân “trình diễn” Natrium tại Wyoming vào tháng 6. Với thiết kế nhỏ gọn, đơn giản và sử dụng natri thay vì nước để làm mát, TerraPower kỳ vọng đưa lò phản ứng này vào hoạt động trước năm 2030.
Nhà máy này được xây dựng gần một nhà máy điện than sắp ngừng hoạt động, nhằm thay thế nguồn cung điện cho PacifiCorp – một công ty tiện ích từng phụ thuộc vào điện than.
Điểm đặc biệt của thiết kế TerraPower là cơ chế an toàn “thụ động” giúp lò phản ứng tự động làm mát nếu xảy ra sự cố, giảm thiểu nguy cơ xảy ra thảm họa như vụ Chernobyl tại Ukraine năm 1986.
Bill Gates cho biết ông đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào TerraPower vì tin rằng năng lượng hạt nhân là chìa khóa để chống lại biến đổi khí hậu. “Đây là một bước tiến lớn hướng tới nguồn năng lượng an toàn, dồi dào và không phát thải carbon”, vị tỷ phú khẳng định tại lễ khởi công nhà máy.
Tuy nhiên, TerraPower và các công ty khởi nghiệp hạt nhân khác vẫn cần thuyết phục công chúng rằng thiết kế thế hệ mới không chỉ khả thi mà còn an toàn.
Ngành công nghiệp này đã và đang thúc đẩy nới lỏng các quy định và đẩy nhanh quy trình. “Chính quyền ông Trump chắc chắn sẽ cố gắng đẩy nhanh và giảm bớt một số quy định”, Squassoni nhận xét.
Đáp lại những lo ngại về an toàn, Bill Gates khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với NPR vào tháng 6 rằng công ty hoan nghênh sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. “Ủy ban Điều tiết Hạt nhân của Mỹ là tổ chức tốt nhất thế giới, và họ sẽ đặt câu hỏi, thách thức chúng tôi”, Bill Gates nói.
Oklo của Sam Altman: Nhanh, nhỏ gọn và rẻ hơn
Oklo, được thành lập vào năm 2013 bởi 2 cựu sinh viên tốt nghiệp MIT, đang phát triển các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến với mục tiêu tạo ra năng lượng sạch, dồi dào và chi phí hợp lý ở quy mô toàn cầu.
Tên công ty được lấy cảm hứng từ khu vực Oklo tại Gabon, một quốc gia ở châu Phi, nơi các nhà khoa học cho rằng từng tồn tại lò phản ứng hạt nhân tự nhiên duy nhất trên Trái Đất cách đây khoảng 2 tỷ năm.
Oklo đang xây dựng các lò phản ứng “nhanh” có thể tạo ra lượng điện lớn hơn từ lượng nhiên liệu ít hơn. Những lò phản ứng này không chỉ nhỏ gọn và rẻ hơn mà còn có thể tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nhà máy hạt nhân khác, mở ra tiềm năng giảm thiểu rác thải hạt nhân.
Oklo hướng tới việc cung cấp năng lượng trực tiếp cho các trung tâm dữ liệu, thậm chí đặt lò phản ứng ngay tại chỗ, giúp đảm bảo nguồn điện liên tục cho các hoạt động AI 24/7.
Đường đua ngày càng sôi động
Bên cạnh sự tham gia của Altman hay Bill Gates, các “ông lớn” công nghệ khác cũng bắt đầu dấn thân vào đường đua năng lượng hạt nhân bởi đánh giá cao tính ổn định của loại hình năng lượng này so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như mặt trời hay gió.
Microsoft đã ký thỏa thuận khởi động lại một lò phản ứng trên Đảo Three Mile – nơi từng xảy ra vụ tan chảy một phần vào năm 1979 – với mục tiêu đưa lò phản ứng này hoạt động trở lại vào năm 2028 để hỗ trợ các tham vọng AI của hãng.
Meta cũng đang tìm cách đảm bảo nguồn năng lượng hạt nhân cho các trung tâm dữ liệu của hãng trong tương lai. Đầu tháng 12, công ty này thông báo đang tìm đối tác phát triển điện hạt nhân phục vụ hệ thống AI và đáp ứng yêu cầu về môi trường của chính phủ Mỹ.
Meta cho biết sẽ nhận các đề xuất từ khi đưa ra thông báo đến ngày 7/2/2025. Công ty muốn bổ sung từ 1 đến 4 GW điện hạt nhân mới cho các hệ thống AI, bắt đầu từ năm 2030.
“Các trung tâm dữ liệu hoạt động 24/7 và cần nguồn cung điện ổn định. Họ không thể dừng lại chỉ vì gió ngừng thổi hay mặt trời lặn”, Anna Erickson, Giáo sư nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân tại Georgia Tech, cho biết.
Trong khi đó, Oklo không phải là khoản đầu tư duy nhất của Altman trong lĩnh vực này. Ông cũng đã rót vốn vào Helion Energy – một startup hạt nhân sử dụng công nghệ khác biệt so với Oklo.
Những tên tuổi lớn khác trong ngành công nghệ như Dustin Moskovitz (đồng sáng lập Facebook), Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn) và Peter Thiel (nhà đầu tư mạo hiểm) cũng đã đầu tư vào Helion Energy.
Google đã tham gia một vòng gọi vốn trị giá 250 triệu USD của TAE Technologies vào năm 2022. Tháng 10 năm nay, Amazon đã đầu tư 500 triệu USD vào startup X-energy. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cũng đã rót vốn vào General Fusion, một startup năng lượng hạt nhân tại Canada.
Tính đến tháng 8, quỹ đầu tư của Peter Thiel – Mithril – đang sở hữu 5,3% cổ phần của Oklo, và ông còn đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực hạt nhân. Trong năm nay, Ark Invest của Cathie Wood – người được mệnh danh là bà trùm cổ phiếu – cũng đã đầu tư vào Oklo.
Đáng chú ý, Chris Wright, Giám đốc điều hành của Liberty Energy và là người được bầu làm Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang là Thành viên HĐQT của Oklo.
Nguồn: https://znews.vn/cac-ty-phu-cong-nghe-buoc-vao-cuoc-dua-nang-luong-hat-nhan-post1521261.html
Vina Aspire là Công ty tư vấn & kinh koanh trong lĩnh vực Công nghệ cao, An ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin, gồm đội ngũ những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng. Chúng tôi với những con người trí tuệ, đầy khát vọng, bản lĩnh, không ngừng sáng tạo, phấn đấu hết mình để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng và toàn xã hội.
Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:
Email: info@vina-aspire.com | Website: www.vina-aspire.com
Tel: +84 944 004 666 | Fax: +84 28 3535 0668
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin