Ngành chip trong “cơn khát” nhân lực chưa từng thấy

Tại Đài Loan, nếu một người đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vi điện tử, họ không phải “săn” việc (job hunting), bởi vì công việc sẽ “săn” họ.

“Tôi không nộp hồ sơ xin việc vào bất kỳ vị trí nào cả và cũng không cập nhật hồ sơ nhiều năm qua”, Ken Wu, người dự kiến hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung vào tháng 6.

Đây là một trong những trường đại học danh giá nhất Đài Loan đào tạo về vi điện tử. Dù chưa hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ, hai năm qua, Wu vẫn liên tục nhận được lời mời từ các nhà sản xuất chip hàng đầu trong bổi cảnh các công ty ngày càng “khát” nhân lực chất lượng cao.

“Tôi vẫn đang trong quá trình học lấy bằng tiến sĩ và không thể làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, tôi liên tục nhận được email và cuộc gọi từ các nhân viên nhân sự và thậm chí cả một số giám đốc công nghệ của các công ty. Họ hỏi tôi có thể lên lịch phỏng vấn với họ để tìm hiểu thêm về công ty và bộ phận hay không”, Wu kể.

Lựa chọn trong số các đề nghị, Wu quyết định sẽ trở thành kỹ sư cấp cao tại Macronix – nhà cung cấp bộ nhớ chuyên dụng cho Apple, Nintendo và BMW – sau khi lấy bằng tiền sĩ.

Wu không phải là người duy nhất đang được săn đón và đứng trước cơ hội nghề nghiệp tươi sáng. Ngành công nghiệp chip Đài Loan đang trong “cơn sốt” tuyển dụng khi các công ty chạy đua tăng sản lượng để lấp đầy khoảng trống do cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu diễn ra trong năm qua. Việc này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt hơn và nội địa hóa hơn của các chính phủ trên thế giới.

“Cơn khát” chưa từng thấy

Theo Nikkei Asia, không ở đâu trên thế giới chứng kiến áp lực lớn hơn Đài Loan – trung tâm của hoạt động sản xuất chip cao cấp toàn cầu, nơi mà nhu cầu tìm kiếm kỹ sư chất lượng cao tăng lên cùng lúc với lượng sinh viên tốt nghiệp giảm xuống.

Chia sẻ với Nikkei Asia, các chuyên gia nhân sự, giám đốc trong ngành chip cũng như quan chức chính phủ thống nhất một quan điểm: Đó là tình trạng thiếu nhân lực đang ở mức nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy. Và hầu hết dự báo tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Tháng 12/2021, tổng số vị trí cần tuyển trong ngành công nghiệp chip Đài Loan là 34.000, tăng gần 77% so với hai năm trước.

Tsai Ming-kai, Chủ tịch MediaTek – nhà phát triển chip di động hàng đầu thế giới, cảnh báo rằng Đài Loan đang đối mặt với những hậu quả tiềm tàng rất lớn.

“Việc thiếu nhân lực về chip cao cấp sẽ gây ra thách thức cho ngành bán dẫn nói chung trong tương lai”, ông Tsai nói tại một cuộc họp báo gần đây.

Hai nhà sản xuất chip lớn nhất của Đài Loan, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và MediaTek, đang tuyển dụng thêm tổng cộng hơn 10.000 lao động trong năm nay, chủ yếu tại Đài Loan.

United Microelectronics, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ tư thế giới, dự kiến tuyển 1.500 người tại Đài Loan trong năm nay. Trong khi đó, hãng thiết bị sản xuất chip lớn nhất châu Âu, ASML, cho biết sẽ tuyển thêm 1.000 lao động tại Đài Loan trong năm nay, trên tổng số 4.000 nhân sự tuyển thêm toàn cầu. Còn các nhà sản xuất vật liệu và công cụ chip khác như Applied Materials, Merck và Entegriscũng sẽ bổ thêm hàng trăm nhân sự ở Đài Loan trong năm 2022.

Theo thống kê của Nikkei, các nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ gồm Micron, Intel, Qualcomm, Nvidia và AMD, cũng như các nhà phát triển chip hàng đầu ở Đài Loan như Novatek, Realtek and Phison Electronics đang tuyển hơn 2.000 vị trí ở hòn đảo này. Bên dưới các công ty lớn này còn có một hệ sinh thái các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang “khát” nhân lực.

Các vị trí cần tuyển đa dạng từ kỹ sư phát triển chip cho tới nhân sự làm việc tại quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu…

Tháng 12 năm ngoái, tổng số vị trí cần tuyển trong ngành công nghiệp chip Đài Loan là 34.000, tăng gần 77% so với hai năm trước, theo một khảo sát của 104 Job Bank – nền tảng tuyển dụng lớn nhất Đài Loan.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn khát nhân lực như vậy trong ngành bán dẫn. Thật là một hiện tượng phi thường… Số lượng đăng tải tuyển dụng mỗi tháng rất lớn”, Jason Chin, phó chủ tịch cấp cao tại 104 Corp chia sẻ.

Cuộc đua giành giật nhân tài

Tình trạng này đang gây ra xáo trộn trong cách ngành công nghiệp khác ở Đài Loan và làm thay đổi trọng tâm kinh tế của hòn đảo. Bờ biển phía tây của Đài Loan là nơi có chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, năm ngoái, TSMC năm ngoái tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy chip cao cấp mới tại thành phố Cao Hùng, miền nam Đài Loan – một trung tâm công nghiệp truyền thống.

“Nhiều chủ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hóa dầu ở Đài Loan phát thốt lên rằng họ không thể tìm được lao động nếu một nhà tuyển dụng có sức cạnh tranh lớn như vậy (TSMC) đến đây”, Tang Ming-je, Chủ tịch Đại học Chung Gung, cho biết.

“Cơn khát” nhân lực của ngành chip cũng đang khiến các nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, theo Martin Wong, Chủ tịch nhà sản xuất laptop Compal Electronics.

Hai nhà sản xuất chip lớn nhất của Đài Loan, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và MediaTek, đang tuyển dụng thêm tổng cộng hơn 10.000 lao động trong năm nay, chủ yếu tại Đài Loan

“MediaTek và TSMC đang săn lùng nhân tài khắp nơi và chúng tôi cũng đang nhắm đến tuyển ít nhất 1.000 lao động trong năm nay. Làm sao chúng tôi có thể tuyển đủ người nếu như không thay đổi phương thức tuyển dụng? Chúng tôi thậm chí tới các trường để quảng bá công ty với hy vọng rằng những người trẻ ở đây có thể biết về Compal trước khi họ tốt nghiệp. Việc này giúp chúng tôi tăng cơ hội tuyển được họ”, Wong nói.

Đột nhiên có thêm 10-15 công ty xây dựng đội ngũ thiết kế chip. Tất cả đều đang tìm kiếm cùng một loại nhân lực”.

Áp lực với ngành chip Đài Loan vẫn ngày càng lớn dù tình trạng “chảy máu chất xám”  sang Trung Quốc đại lục có xu hướng giảm xuống, do đại dịch Covid-19 cũng như nỗ lực của Chính quyền Đài Loan như cấm quảng cáo việc làm ở đại lục.

“Chúng ta đang chứng kiến một vòng đấu mới trong cuộc đua nóng bỏng để giành giật nhân tài. Các nhà phát triển chip của Mỹ từ Qualcomm, Intel đến AMD đều đã đổ xô đến Đài Loan để mở rộng đội ngũ nghiên cứu và phát triển của họ, bởi vì họ cũng đang thiếu nhân lực để tăng trưởng tại Mỹ”, giám đốc tại một nhà phát triển chip vi mạch tích hợp điều khiển màn hình chia sẻ với Nikkei Asia.

Johnny Lin, Tổng giám đốc của Netlink Communication – một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển chip cho thiết bị kết nối như cảm biến cửa và bàn chải đánh răng thông minh, cho biết gần đây ông đã mất một số kỹ sư có kinh nghiệm “vì các đối thủ lớn hơn và đối thủ nước ngoài mời chào mức lương cao hơn 70% hoặc thậm chí gấp đôi”.

“Các công ty khởi nghiệp rất khó đáp ứng được mức lương đó, nhưng chúng tôi cũng đang thấy cần phải xem lại khẩn cấp cấu trúc lương tổng thể của mình”, ông Lin cho biết. Là một công ty khởi nghiệp nhưng Netlink Communication có đãi ngộ tặng thưởng quyền chọn mua cổ phiếu cho nhân viên. “Tuy nhiên, những đãi ngộ như vậy không hiệu quả khi mà có rất nhiều lời mời tuyển dụng từ các nhà sản xuất chip đa quốc gia ngoài kia”.

Theo Nikkei Aisa, các nhà sản xuất chip lớn toàn cầu đã công bố các kế hoạch mở rộng hoạt động với tổng mức đầu tư hơn 370 tỷ USD. Điều này cho “cơn khát” nhân sự diễn ra trên khắp thế giới.

Các chính phủ từ Liên minh châu Âu (EU) cho tới Hàn Quốc, Ấn Độ đều đua nhau tung ra các chương trình trợ cấp cho ngành công nghiệp chip của mình. Còn Mỹ và Trung Quốc, trong các thông báo chính thức, đều cho biết họ cần thu hút và giữ chân nhân tài để đảm bảo sức cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Trong khi đó, ngày càng nhiều công ty lấn sang sang lĩnh vực phát triển chip, khiến nhu cầu nhân lực càng lớn hơn nữa. Các công ty internet với tài chính mạnh từ Google, Amazon, Facebook của Mỹ cho tới Alibaba và Tencent của Trung Quốc, hay các nhà sản xuất ô tô Mỹ như Ford và Tesla đều đang xây dựng đội ngũ thiết kế chip và nâng cao năng lực về chip của mình để giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với linh kiện quan trọng này.

“Đột nhiên có thêm 10-15 công ty xây dựng đội ngũ thiết kế chip. Tất cả đều đang tìm kiếm cùng một loại nhân lực”, Gokul Hariharan, đồng phụ trách nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương tại JP Morgan, cho biết.

Còn Peter Wennink, Chủ tịch kiêm CEO của ASML – nhà cung cấp thiết bị cho các nhà sản xuất chip, cho biết “việc tìm kiếm nhân lực đang trở nên phức tạp trên toàn cầu vì lý do đơn giản là chúng tôi đang cạnh tranh với chính khách hàng của mình và tất cả các doanh nghiệp trong ngành”.

“Ai cũng đang gấp gáp. Ở Đài Loan, chúng tôi đang cạnh tranh với TSMC. Ở Hàn Quốc, chúng tôi phải cạnh tranh với Samsung và SK Hynix. Còn ở Mỹ, chúng tôi phải ‘đấu’ với Intel và Micron, và cả Apple, Qualcomm”, ông Wennink chia sẻ.

Mức lương “khủng” và không ngừng tăng lên

Tuy nhiên, nếu như cuộc chiến giành nhân tài đang khiến các chủ doanh nghiệp và các chính phủ đau đầu, đây lại là cơ hội lớn đối với những người có kỹ năng thích hợp.

“Hầu hết các sinh viên chưa tốt nghiệp của tôi đều đã tìm được việc làm và biết rõ họ sẽ đi đâu trong năm đầu tiên “, Hou Tuo-hung – giáo sư về kỹ thuật điện tử, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển tại Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, cho biết.

Henry Kao, cố vấn tại hãng cố vấn nhân sự Intelligent Manpower Corp., cho biết các nhà tuyển dụng đã tăng đáng kể mức lương cho sinh viên mới tốt nghiệp.

“Không chỉ vị trí kỹ sư, nhiều vị trí khác như chuyên viên có kinh nghiệm về môi trường, y tế, an toàn, pháp lý, cố vấn pháp lý, người có kinh nghiệm về tài chính, cũng được tăng lương”, ông cho biết.

Mức lương tối thiểu theo quy định tại Đài Loan là 25.250 Tân Đài tệ (906 USD). Tuy nhiên, mức lương tháng khởi điểm bình quân cho một nhân sự ngành bán dẫn là khoảng 52.288 Tân Đài tệ, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Đài Loan và sách trắng của 104 Job Bank về ngành chip.

Một số công ty lớn thậm chí chào mời mức lương cao hơn nhiều, như MediaTek trả lương cho sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường kỹ thuật hàng đầu tới 83.000 Tân Đài tệ/tháng. Cộng với thưởng, mức lương năm của những người này có thể lên tới 2 triệu Tân đài tệ. Con số này lên tới 3-5 triệu Tân Đài tệ đối với những người có vài năm kinh nghiệm.

Mức lương thưởng của sinh viên mới tốt nghiệp ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) của các trường hàng đầu có thể lên tới 1,6-2 triệu Tân Đài tệ, tăng khoảng 30% so với trước đại dịch, theo ước tính của Intelligent Manpower.

Một khách tham quan xem tấm bán dẫn (wafer) 300mm trong gian hàng của TSMC tại một hội chợ thương mại ở Trung Quốc năm 2021 – Ảnh: Getty Images

Mức lương tăng mạnh như vậy cho thấy sự mất cân bằng trong cung – cầu nhân lực trong lĩnh vực này tại Đài Loan. Số lượng người tốt nghiệp ngành STEM tại đây đã giảm đáng kể từ 116.000 người năm 2011 xuống còn 92.000 người năm 2019, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Đài Loan. Dân số suy giảm khiến cho việc đảo ngược xu hướng này trong ngắn hạn không hề dễ.

Trong bối cảnh đó, chính quyền của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố sẽ chi ít nhất 300 triệu USD cho các chương trình giáo dục để hỗ trợ ngành bán dẫn trong 10 năm tới. Kế hoạch này bao gồm thành lập 4 trường đào tạo về bán dẫn mới tại các đại học hàng đầu.

Theo các nhà phân tích, một giải pháp nữa mà chính quyền Đài Loan cũng cần được tính tới là nới lỏng các quy định về tuyển dụng lao động nước ngoài. Hiện tại, chỉ một số lượng nhỏ người lao động nước ngoài làm việc trong ngành chip tại Đài Loan. Theo dữ liệu tháng 12/2021 của Bộ Các vấn đề Lao động của Đài Loan, chỉ có khoảng 1.146 thị thực việc làm được cấp cho các lao động nước ngoài.

Nguồn: TBKTVN

Vina Aspire là Công ty tư vấn, cung cấp các giải pháp, dịch vụ CNTT, An ninh mạng, bảo mật & an toàn thông tin tại Việt Nam. Đội ngũ của Vina Aspire gồm những chuyên gia, cộng tác viên giỏi, có trình độ, kinh nghiệm và uy tín cùng các nhà đầu tư, đối tác lớn trong và ngoài nước chung tay xây dựng.

Các Doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu liên hệ Công ty Vina Aspire theo thông tin sau:

Email: info@vina-aspire.com | Website: www.vina-aspire.com

Tel: +84 944 004 666 | Fax: +84 28 3535 0668


Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin


Bài viết liên quan

About Us

Learn More

Vina Aspire is a leading Cyber Security & IT solution and service provider in Vietnam. Vina Aspire is built up by our excellent experts, collaborators with high-qualification and experiences and our international investors and partners. We have intellectual, ambitious people who are putting great effort to provide high quality products and services as well as creating values for customers and society.

may ao thun Kem sữa chua May o thun May o thun đồng phục Định cư Canada Dịch vụ kế ton trọn gi sản xuất đồ bộ
Translate »